Gia Lai và những lần chia tách lược theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia

Gia Lai và những lần chia tách lược theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia

Kiến Thức

Diện tích tỉnh Gia Lai Vietduccomplex

Từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã từng bước thiết lập bộ máy cai trị trên đất Gia Lai. Năm 1877, nha kinh lý An Khê được thành lập, thuộc huyện Tuy Viễn tỉnh Bình Định. Năm 1888, lập tổng An Khê thuộc huyện Bình Khê (Bình Định). Ngày 30-10-1893, Hiệp ước Xiêm – Pháp được ký kết, Xiêm thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp trên tả ngạn sông Mê Kông và Tây Nguyên. Theo văn bản này, Tây Nguyên được Pháp sáp nhập vào đất Hạ Lào.

Ngày 3-12-1929, theo Nghị định Khâm sứ Trung Kỳ, thị xã Pleiku và thị xã Kon Tum được thành lập. Ngày 24-5-1932, Nghị định Toàn quyền Đông Dương tách một phần đất phía nam tỉnh Kon Tum (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) để thành lập tỉnh Pleiku. Tòa Đại lý hành chính Pleiku theo đó cũng được đổi thành Tòa Công sứ[1].

Ngày 12-12-1932, trên địa bàn tỉnh Pleiku, vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai (chủ yếu là đất đai của đại lý Pleiku cũ) và bổ nhiệm một Quản đạo, một Kinh lịch và ba Thừa phái[2] để quản lý bộ phận người Kinh. Như vậy, tòa Công sứ Pleiku lúc này gồm hai khu vực: đạo Gia Lai của người Kinh và khu vực Pleiku, Cheo Reo của người Jrai.

Đại lý An Khê (gồm đất đai các huyện thị phía Đông Gia Lai ngày nay như Kbang, An Khê, Đak Pơ, Mang Yang, Kông Chro) cho đến Nghị định ngày 9-8-1943 mới tách khỏi tỉnh Kon Tum để nhập vào tỉnh Pleiku[3].

Đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Pleiku có: thị xã Pleiku, huyện An Khê, huyện Pleikli, huyện Chư Ty và huyện Cheo Reo.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền cách mạng gọi là Gia Lai.

Đối với chính quyền cách mạng, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tên tỉnh vẫn giữ là Gia Lai nhưng qua từng thời điểm khác nhau, tỉnh Gia Lai lại thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan khác nhau trong khu vực, các huyện trong tỉnh cũng nhiều lần thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính.

Tháng 3-1946, theo chỉ đạo của Ủy ban Hành chính các vùng của Tây Nguyên, Ban vận động quốc dân thiểu số Tây Nam Trung Bộ được thành lập dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ. Tiếp đó, Phòng Quốc dân thiểu số ở Gia Lai và Phòng Quốc dân thiểu số ở Kon Tum cũng được thành lập.

Tháng 6-1946, Phân ban Quốc dân thiểu số Nam Trung Bộ được thành lập thay cho Ban vận động Quốc dân thiểu số của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ. Phân ban Quốc dân thiểu số miền Nam chịu trách nhiệm chỉ đạo chung mọi mặt phong trào của các tỉnh miền núi, trong đó có Gia Lai và các huyện miền núi các tỉnh đồng bằng Nam Trung Bộ.

Tháng 9-1947, theo Quyết định số 100 của Đặc phái viên Chính phủ Trung ương và của đại diện Ủy ban Kháng chiến Hành chính Trung Bộ tại miền Nam Trung Bộ, khu 15 được thành lập để phụ trách 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng. Đầu năm 1948, khu 15 và khu 6 giải thể để thống nhất với khu V thành Liên khu V. Ngày 15-4-1950, theo Nghị định số 7/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ta, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum hợp nhất thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Gia – Kon[4] và chia vùng Đông đường 14 thành 8 khu (tương đương huyện), tên của các khu được gọi theo các số đếm từ 1 đến 8; vùng Tây đường 14 vẫn là vùng hoạt động của các đội vũ trang xây dựng cơ sở. Địa bàn của 8 khu phía Đông đường 14 cụ thể là: khu 1 là vùng Đak Glei; khu 2 là vùng Đak Tô; khu 3 là vùng Kon Plông (nay đều thuộc tỉnh Kon Tum); khu 4 là vùng đồng bào Bahnar Bắc đường 19; khu 5 kéo dài từ Tây sông Ba đến giáp đường 14 (theo chiều đông – tây) và từ Nam đường 19 đến giáp Cheo Reo và đường số 7; khu 6 kéo dài từ ranh giới tỉnh Bình Định đến Đông sông Ba (theo chiều đông – tây) và từ Nam đường 19 đến giáp Cheo Reo; khu 7 là vùng người Kinh ở An Khê; khu 8 (còn gọi là khu Trung) là vùng đất nằm giữa thị xã Pleiku và thị xã Kon Tum.

Đọc thêm  Gạch Đồng Tâm là gì? Gạch Đồng Tâm có những loại nào? Phân

Cuối năm 1950, tỉnh Gia – Kon quyết định sáp nhập một số khu thành các huyện, những khu còn lại không sáp nhập cũng được đổi tên: khu 4 và khu 7 nhập thành huyện An Khê; khu 5 và khu 6 nhập thành huyện Đak Bơt; khu 8 đổi tên thành huyện Plei Kon; khu 1 đổi thành huyện Đak Glei; khu 2 đổi thành huyện Đak Tô; khu 3 đổi thành huyện Kon Plông.

Tháng 10-1951, theo quyết định của Liên khu ủy V, Mặt trận miền Tây được thành lập, hầu hết phần đất của tỉnh Kon Tum cũ và miền Tây tỉnh Quảng Ngãi được đặt dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự miền Tây. Tỉnh Gia – Kon từ lúc này thực tế chỉ còn lại các huyện: Kon Plông, An Khê, Đak Bớt, Plei Kon và vùng Tây đường 14.

Tháng 3-1952, 3 xã phía bắc huyện Kon Plông là xã Hiếu, Mang Kành, Đak Glong được tách ra lập thành huyện Bắc Kon Plông và giao về cho tỉnh Kon Tum. 4 xã còn lại là Krem (nay thuộc huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định), Hơnờng (Hơnờng), Đak Krong, Đak Pne được lập thành huyện Nam Kon Plông thuộc tỉnh Gia Lai.

Đầu năm 1953, tỉnh Gia – Kon nhận thêm huyện Vĩnh Thạnh của tỉnh Bình Định. Nhưng ngay sau đình chiến (7-1954), huyện này lại được giao về cho tỉnh Bình Định.

Tháng 2-1954, trong kế hoạch chuẩn bị giải phóng An Khê, ta tách vùng người Kinh ở An Khê để lập thành đặc khu Tân An trực thuộc tỉnh.

Riêng khu vực Cheo Reo, năm 1946 trực thuộc Ban vận động Quốc dân thiểu số Tây Nam Trung Bộ[5]. Từ ngày 6-11-1947, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ đặt huyện Cheo Reo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phân ban Hành chính Tây Nguyên (trực thuộc khu 15). Tháng 8-1948, theo Quyết định số 203-ĐD/CP của Đại diện Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ, Cheo Reo được đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Đăk Lăk. Nghị định số 477-MN/TOC, ngày 30-5-1953 của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ, chia huyện Cheo Reo thành hai huyện thuộc tỉnh Đăk Lăk là: Đông Cheo Reo gồm các xã phía Đông và phía Bắc sông Ba; Tây Cheo Reo gồm các xã phía Tây sông Ba.

Đối với chính quyền Sài Gòn, mặc dù từ năm 1954 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tên tỉnh vẫn là Pleiku, nhưng diện mạo của tỉnh đã nhiều lần thay đổi.

Ngay sau khi lên cầm quyền, Ngô Đình Diệm đã yêu cầu Quốc trưởng Bảo Đại hủy bỏ Hoàng triều cương thổ. Thực hiện yêu cầu này, ngày 11-3-1955, Quốc trưởng Bảo Đại phê chuẩn Đạo dụ số 21, sáp nhập các vùng cao nguyên vào lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 13-3-1959, theo Sắc lệnh số 63-NV của Tổng thống Việt Nam cộng hòa, quận An Túc, thuộc tỉnh Bình Định được thành lập. Quận lỵ An Túc đặt tại An Khê. Đất đai của quận này gồm: quận Tân An và các xã Kon Gol, Kon Pong, Kon Vong (nguyên thuộc tỉnh Kon Tum)[6].

Ngày 1-9-1962, theo Sắc lệnh số 186, chính quyền Sài Gòn tách một phần phía nam tỉnh Pleiku (thuộc Cheo Reo) và một phần phía Bắc tỉnh Đăk Lăk (huyện Thuần Mẫn) thành lập tỉnh Phú Bổn, gồm các quận Phú Túc (nay là huyện Krông Pa), Phú Thiện (nay là huyện Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa), huyện Thuần Mẫn (nay thuộc tỉnh Đăk Lăk) và thị xã Hậu Bổn (thị trấn Cheo Reo cũ). Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hậu Bổn. Tỉnh Phú Bổn tồn tại cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975). Sau khi chia một phần diện tích và dân số về Phú Bổn, tỉnh Pleiku còn lại các quận Lệ Trung, Lệ Thanh và Phú Nhơn.

Đọc thêm  Số điện thoại bệnh viện đa khoa Trà Vinh thông tin địa chỉ liên hệ

Giữa năm 1965, sau khi quận lỵ và chi khu Lệ Thanh bị lực lượng cách mạng tiêu diệt, chính quyền Sài Gòn dời quận lỵ về Thanh Giáo và lập quận mới Thanh An thay quận Lệ Thanh.

Như vậy, cho đến tháng 3-1975, tỉnh Pleiku có 3 quận: Lệ Trung, Thanh An và Phú Nhơn.

Về phía chính quyền cách mạng, từ năm 1954-1975 vẫn giữ tên tỉnh là Gia Lai, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử.

Sau Hiệp định Giơnevơ, tỉnh Gia – Kon lại được chia tách thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Tỉnh Gia Lai chia thành 9 khu (tương đương huyện, thị). Các khu từ khu 1 đến khu 7 là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; khu 8 là vùng người Kinh ở An Khê; khu 9 là thị xã Pleiku cùng các đồn điền và vùng phụ cận.

Vùng đồng bào các dân tộc thiểu số từ khu 1 đến khu 7 cụ thể là: Khu 1 là huyện Nam Kon Plông cũ (nay là các xã Bắc huyện Kbang từ Kon Pne đến Sơn Lang); khu 2 là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Bắc đường 19 (nay là các xã phía nam huyện Kbang); khu 3 là địa bàn huyện Plei Kon cũ (nay là Bắc huyện Nam Mang Yang và Đak Đoa); khu 4 là khu vực nông thôn phía tây đường 14 (nay là các huyện: Chư Pah, Ia Grai và Đức Cơ); khu 6 từ Nam đường 19 đến Cheo Reo và từ đèo Mang Yang đến Đông đường 14 (nay là Nam huyện Mang Yang và Đak Đoa); khu 7 là khu vực từ Nam đường 19 đến Bắc đường 7A (nay là huyện Kông Chro).

Tháng 4-1955, Liên khu ủy V lập Liên tỉnh 4 để chỉ đạo phong trào của Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lăk.

Đầu năm 1958, tỉnh cắt 3 xã phía nam khu 7 (nay thuộc huyện Kông Chro) để lập thành khu 10. Đến gần cuối năm thì ta giải thể khu 10, đất đai và dân cư của khu 10 lại được nhập vào khu 7.

Tháng 7-1960, hai khu 4 và 5 ở phía tây đường 14 (khu vực các huyện Chư Pah, Ia Grai, Đức Cơ và Chư Prông hiện nay) được sáp nhập thành khu 45. Giữa năm 1961, khu 45 lại giải thể và tách ra thành khu 4 (nay là huyện Chư Pah, Ia Grai, một phần phía Bắc huyện Đức Cơ), khu 5 (nay là huyện Chư Prông và một phần huyện Đức Cơ) và Tây Chư Sê.

Đầu năm 1962, do yêu cầu thống nhất chỉ đạo công tác đinh điền ở khu vực phía tây, tỉnh quyết định thành lập khu 10, nhưng đến cuối năm 1964 thì giải thể. Khu 10 được thành lập giai đoạn này là một tổ chức chuyên lo công tác dinh điền của cả khu 4 và khu 5 chứ không có địa bàn riêng.

Ngày 28-2-1962, để tăng cường xây dựng vùng căn cứ của tỉnh, tỉnh quyết định tách hai xã Krong, Kpier (của khu 2) và xã Lơpà (của khu 3) để lập khu căn cứ. Năm 1964, khu căn cứ được đổi tên thành khu 10. Tuy tên gọi có thay đổi nhưng đây vẫn là vùng căn cứ của tỉnh.

Năm 1972, ta sáp nhập khu 10 vào khu 2 ở vùng căn cứ Đông Bắc tỉnh thành khu 12 cho tới ngày giải phóng tỉnh nhà.

Riêng vùng Cheo Reo, trong những năm chống Mỹ, cứu nước thuộc tỉnh Đăk Lăk. Huyện Đông Cheo Reo được gọi dưới mật danh huyện H2, Tây Cheo Reo được gọi với mật danh huyện H3. Cuối năm 1960, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ I tỉnh Đăk Lăk, huyện H2 được hợp nhất với huyện M’Drăk (A1) thành liên huyện A10. Đến cuối năm 1961, lại tách ra như cũ. Năm 1962, tỉnh Đăk Lăk thành lập huyện 7 (H7) bao gồm thị xã Hậu Bổn và vùng ven thị xã. Tháng 11-1971, tỉnh Gia Lai cắt một phần phía nam huyện 7 (tức phần đất phía nam huyện Kông Chro ngày nay) giáp phía Bắc sông Ayun và vùng giáp H2, H3 (Đông Cheo Reo và Tây Cheo Reo của tỉnh Đăk Lăk) lập khu 11. Năm 1973, H7 được sáp nhập với H3 thành huyện 37. Tháng 12-1973, H2 (Đông Cheo Reo) được đổi tên thành huyện Sông Ba.

Đọc thêm  Quy định về giao, quản lý và sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), ta tổ chức lại các huyện theo hướng nhập nhiều khu trước giải phóng thành các huyện lớn: phía Đông Bắc của tỉnh, các khu 1, 2, 8, 7 sáp nhập thành huyện An Khê. Phía Tây Trường Sơn, khu 9 được đổi thành thị xã Pleiku; khu 4 được đổi tên thành huyện Chư Pah; khu 5 đổi tên thành huyện Chư Prông; khu 3 và khu 6 sáp nhập thành huyện Mang Yang.

Tháng 7-1975, huyện Sông Ba (Đông Cheo Reo) và huyện 37 (thị xã Hậu Bổn và Tây Cheo Reo) được sáp nhập thành huyện Cheo Reo thuộc tỉnh Đăk Lăk.

Ngày 20-9-1975, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 245-NQ/TƯ về việc bỏ cấp khu, hợp tỉnh. Theo Nghị quyết này, tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành một tỉnh. Tên của tỉnh mới là Gia Lai – Kon Tum. Trên phần đất của tỉnh Gia Lai hiện nay, trong thời gian tồn tại tỉnh Gia Lai – Kon Tum, địa giới các huyện vẫn tiếp tục có sự tách nhập hoặc thành lập mới.

Tháng 1-1976, theo Quyết định của Chính phủ, huyện Cheo Reo của tỉnh Đăk Lăk được chuyển giao về cho tỉnh Gia Lai -Kon Tum. Ngày 15-1-1976, Hội nghị Tỉnh ủy Gia Lai – Kon Tum ra Nghị quyết về kiện toàn, xây dựng huyện mạnh đã sáp nhập huyện Cheo Reo và khu 11 thành huyện Ayun Pa.

Tại kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa VIII, họp từ ngày 27-7-1991 đến 12-8-1991 đã ra Nghị quyết về việc chia tách tỉnh Gia Lai – Kon Tum; thành lập lại hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 21-8-1991, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai – Kon Tum khóa VI họp bất thường và ra Nghị quyết về phân định địa giới hành chính và các đơn vị hành chính, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân của mỗi tỉnh. Theo đó tỉnh Gia Lai có thị xã Pleiku và 10 huyện là: Chư Pah, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Ayun Pa, Krông Pa, Kông Chro, An Khê, Kbang và Mang Yang. Tỉnh Gia Lai có diện tích 1.606.670ha, dân số 681.823 người. Hội đồng nhân dân tỉnh có 59 đại biểu

Từ tháng 10-1991, mọi hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể… theo tổ chức tỉnh mới. Cũng từ đây, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai bước vào một thời kỳ mới đầy khó khăn, thử thách cùng với những cơ hội và điều kiện mới để xây dựng và phát triển.

Kể từ năm 1991 đến năm 2022 tỉnh Gia Lai có 17 đơn vị hành chính gồm: thành phố Pleiku; thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và 13 huyện: Chư Pah, Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Mang Yang, Đak Đoa, Kbang, Kông Chro, Đak Pơ, Ia Pa, Phú Thiện , Krông Pa và Chư Pưh.

Như vậy, trải qua 90 năm ( từ năm1932 đến năm 2022) xây dựng và phát triển đến nay dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Gia Lai Nhân dân và các Đảng bộ trong tỉnh đoàn kết nhất trí đưa Gia Lai vươn đến khát vọng một mảnh đất tiềm năng, phát triển trong khu vực và trong cả nước.

ThS Vũ Thị Thảo

Trường Chính trị tỉnh