Vài nét về vị trí địa lý và quá trình thành lập tỉnh

Kiến Thức

Diện tích tỉnh Thái Bình Vietduccomplex

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên 1.534,4 km2, dân số khoảng 1,8 triệu người. Trong quá trình cải biến của thiên nhiên, trải qua hàng chục vạn năm của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đất đai Thái Bình được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình cùng với công cuộc quai đê khẩn hoang, lấn biển của nhiều thế hệ cư dân. Vào khoảng thế kỷ 7- 6 trước công nguyên, những lớp cư dân đầu tiên từ chân núi Ba Vì, Tam Đảo và các vùng thung lũng, trung du thuộc Phú Thọ, Sơn Tây… đã tiến dần xuống các vùng đầm lầy ven biển hạ lưu sông Hồng. Sức hấp dẫn của vùng đất ven biển màu mỡ phù sa, thuận lợi cho việc đánh bắt cá, trồng lúa nước đã nhanh chóng cuốn hút ngày càng đông luồng dân cư kết nối nhau về tìm nơi sinh tụ. Cho đến những thế kỷ đầu Công nguyên, phần lớn đất đai Thái Bình đã được khai hoang, phục hoá, hình thành các khu vực tập trung cư dân tạo nên một đời sống sinh hoạt đa dạng, nhộn nhịp.

Cùng với quá trình hình thành đất đai và cư dân, địa vực Thái Bình đã được đưa vào địa dư hành chính quốc gia với nhiều cấp độ và thay đổi khác nhau. Đầu Công nguyên, Thái Bình nằm trong vùng đất phía Nam cuối cùng của huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ. Thế kỷ thứ X, khi Ngô Quyền xưng vương, Thái Bình thuộc đất Đằng Châu (bao gồm cả Thái Bình, Hưng Yên sau này). Thời Tiền Lê, năm Ứng Thiên thứ 9 (1002), Lê Đại Hành đổi đạo làm lộ, dưới lộ là phủ, dưới phủ là hương. Khi Lê Long Đĩnh (1005-1009) lên ngôi đổi Đằng Châu là Phủ Thái Bình, theo “Đại Việt sử ký Toàn thư” tên Phủ Thái Bình có từ đấy. Phải đến đời Trần, thế kỷ XIII trở đi, địa vực Thái Bình mới thật sự rõ nét trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Năm 1252, Trần Thái Tông đổi 24 lộ làm 12 lộ phủ, dưới lộ phủ huyện, hương. Thái Bình thuộc lộ phủ Long Hưng và các lộ phủ Kiến Xương, An Tiêm. Thời Lê sơ (1428-1527), chia nước làm 5 đạo, dưới đạo là trấn, phủ, huyện, châu, xã. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), Lê Thánh Tông chia nhỏ các đạo thành 13 đạo và bỏ đơn vị hành chính trung gian như trấn, lộ; lúc này Thái Bình thuộc Nam Đạo sau là đạo Sơn Nam, đến năm 1741, Lê Hiển Tông đổi đạo làm trấn và chia đạo Sơn Nam thành 2 trấn: Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ, Thái Bình thuộc trấn Sơn Nam Hạ. Thời Nguyễn, năm Minh Mạng thứ ba (1822), lúc đầu toàn bộ Thái Bình vẫn thuộc trấn Nam Định, sau thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Nam Định.

Đọc thêm  Quy hoạch 1/500 là gì? Khi nào sử dụng bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/500

Ngày 21-3-1890, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, bao gồm các huyện: Thanh Quan, Thụy Anh, Đông Quan, Trực Định, Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Phụ Dực, Quỳnh Côi (thuộc Nam Định) và huyện Thần Khê (thuộc Hưng Yên). Năm Thành Thái thứ 6 (1894) cắt thêm 2 huyện Hưng Nhân, Duyên Hà (thuộc tỉnh Hưng Yên) nhập trở lại Thái Bình. Đến lúc này, tỉnh Thái Bình với tư cách là tỉnh – một đơn vị hành chính độc lập gồm 3 phủ: Tiên Hưng, Kiến Xương, Thái Ninh và 12 huyện: Duyên Hà, Hưng Nhân, Tiên Hưng, Thụy Anh, Đông Quan, Thái Ninh, Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thư Trì, Vũ Tiên, Trực Định, Tiền Hải.

Những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp phân cấp lại bộ máy quản lý trên địa bàn tỉnh. Phủ và huyện đều là cấp hành chính tương đương cùng do cấp tỉnh trực tiếp quản lý, lúc này Thái Bình có 3 phủ, 9 huyện và 1 tỉnh lỵ, gồm: phủ Kiến Xương, phủ Thái Ninh và phủ Tiên Hưng, huyện Vũ Tiên, huyện Thư Trì, huyện Tiền Hải, huyện Đông Quan, huyện Thụy Anh, huyện Phụ Dực, huyện Quỳnh Côi, huyện Hưng Nhân, huyện Duyên Hà và tỉnh lỵ Thái Bình.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 10-4-1946, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Toàn tỉnh lúc này có 12 huyện, 1 thị xã với 829 xã, thôn.

Ngày 17-6-1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 93-QĐ/CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới, Thái Bình còn 7 huyện và 1 thị xã. Năm 2004, Thị xã Thái Bình được công nhận là Thành phố thuộc tỉnh (theo Nghị định số 117/2004/NĐ-CP, ngày 29/4/2004 của Chính phủ).

Đọc thêm  Gỗ công nghiệp là gì? Ưu & Nhược điểm của gỗ công nghiệp