Nỗi niềm từ những thửa ruộng bỏ hoang – Báo Quân đội nhân dân

Nỗi niềm từ những thửa ruộng bỏ hoang – Báo Quân đội nhân dân

Tin Tức

Ruộng đất bỏ hoang Vietduccomplex

Bỏ ruộng tìm sinh kế khác

Có mặt trên những cánh đồng tại các huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (Nghệ An), chúng tôi thấy nhiều diện tích bỏ không, cỏ dại mọc um tùm, phủ kín mặt ruộng. Bóng dáng người nông dân cũng thưa dần trên những cánh đồng, không khí lao động mỗi vụ mùa không còn sôi động như trước.

Mỗi năm, huyện Diễn Châu có 500-700ha diện tích canh tác bỏ hoang, nhiều nhất là trong vụ hè thu. Những cánh đồng mênh mông, có hệ thống thủy lợi, đường giao thông được đầu tư đồng bộ nhưng người dân vẫn không mặn mà sản xuất. Toàn xã Diễn Hồng có 245,29ha diện tích gieo cấy vụ hè thu bị bỏ hoang, tập trung tại các thôn: Bắc Hồng, Trung Hồng, Trung Thành. Ông Trần Văn Lâm, Trưởng thôn Bắc Hồng giãi bày: “Cả thôn có 34,18ha diện tích đất sản xuất nhưng chỉ sản xuất một vụ đông xuân bởi thời tiết thuận lợi, năng suất cao để lấy lương thực cung cấp cho cả năm. Vụ hè thu năng suất thấp, rủi ro cao, chi phí đầu tư giống, vật tư, phân bón cao, hiệu quả kinh tế mang lại thấp nên người dân không gieo trồng”.

Người dân cho biết, để sản xuất một sào lúa hè thu, chi phí thuê công cày, cấy, vật tư, giống… hết khoảng 1,5 triệu đồng. Nếu được mùa, năng suất cao khoảng 3 tạ lúa/sào, với giá thị trường hiện nay gần 700.000 đồng/tạ, thu về chỉ 2,1 triệu đồng, còn lãi 600.000 đồng trong 5 tháng canh tác. Nếu gặp thiên tai, rủi ro, mất mùa thì dẫn đến lỗ vốn, thậm chí mất trắng. Vì vậy, việc người dân bỏ ruộng tìm sinh kế khác cũng là điều dễ hiểu.

Những năm gần đây, người dân trong độ tuổi lao động ở các vùng nông thôn nếu không đi học, đi làm việc hành chính, công sở, thương mại, dịch vụ thì cũng đi xuất khẩu lao động hoặc làm công nhân trong các công ty, nhà máy tại khu công nghiệp gần nhà. Những công việc đó so với thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cao hơn, ổn định và ít rủi ro. Như tại huyện Diễn Châu, nhiều nhà máy trên địa bàn đã thu hút hàng nghìn công nhân khiến lực lượng sản xuất nông nghiệp ngày càng già hóa, chỉ còn những người lớn tuổi bám trụ. Chính vì thế, ruộng đồng bỏ hoang ngày càng nhiều và hiệu suất sử dụng đất cũng thấp đi.

Đọc thêm  Những dinh thự gỗ bạc tỷ gây xôn xao dư luận của đại gia Việt

Một cánh đồng bỏ hoang vụ hè thu tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Huyện Yên Thành được xem là vựa lúa của tỉnh Nghệ An. Diện tích nông nghiệp toàn huyện là 17.000ha, 87% dân số làm nông nghiệp, sản lượng lương thực chiếm 1/6 toàn tỉnh. Tuy vậy năm nay, hơn 1.000ha diện tích sản xuất vụ hè thu bỏ hoang, trong đó 400ha vùng sâu trũng, khô cằn không thể sản xuất, còn hơn 600ha đủ điều kiện canh tác nhưng người dân không có nhu cầu sản xuất và để đất trống. Ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành cho hay: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng diện tích sản xuất bỏ không xuất phát từ thời tiết khắc nghiệt, đất đai manh mún, thu nhập từ canh tác nông nghiệp thấp hơn nhiều so với các ngành nghề khác”.

Đất bỏ hoang nhưng không dễ cho thuê

Theo giải thích của người dân và chính quyền địa phương, vụ hè thu không sản xuất thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình, bởi người dân không sản xuất nông nghiệp thì làm các ngành nghề công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thậm chí, thu nhập tính ra còn cao hơn so với sản xuất nông nghiệp. Nhưng điều băn khoăn của chính quyền địa phương đó là nguồn lực đất đai, hiệu suất sử dụng đất bị lãng phí.

Đọc thêm  Mua bán nhà đất, bất động sản tại Bà Rịa Vũng Tàu

Chính quyền địa phương các cấp cũng đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp triển khai mô hình liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, bao tiêu sản phẩm, gieo trồng kết hợp với chế biến. Huyện Diễn Châu đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm tại nhiều xã như: Diễn Liên, Diễn Phong, Diễn Thành. Theo đó, các hợp tác xã đứng ra làm khâu trung gian, các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng cho người dân, sau đó sẽ thu mua nông sản. Mục đích của những mô hình này là sản xuất có hiệu quả, có lợi nhuận để người dân tích cực canh tác, không bỏ hoang ruộng đồng. Tuy nhiên, những mô hình này số lượng còn khá khiêm tốn và đa phần thực hiện ở những diện tích đất sản xuất hoa màu.

Trong khi người dân không mặn mà sản xuất nông nghiệp nhưng nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp muốn thuê đất hoặc liên kết sản xuất thì lại rất khó khăn. Đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời-một trong những đơn vị chuyên liên kết sản xuất theo chuỗi, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trong cả nước-cũng đã tích cực tìm về các địa phương của Nghệ An liên kết sản xuất hoặc thuê lại diện tích đất nông nghiệp bỏ trống để cải tạo đồng ruộng, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Đất đai manh mún, phân mảnh quá nhiều khiến doanh nghiệp khó đạt đồng thuận của tất cả các hộ nông dân. Chỉ cần vài hộ không đồng tình hoặc phá vỡ hợp đồng thì dự án đầu tư nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Đọc thêm  Gia chủ tuổi Mùi chọn người xông đất, xông nhà 2023 hợp tuổi

Hay như Công ty Cổ phần An An Agri (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) chuyên sản xuất, chế biến sản phẩm mì rau củ hữu cơ, đang muốn mở rộng vùng nguyên liệu cũng không hề dễ dàng. Chị Đặng Thị Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần An An Agri cho biết: “Hiện nay, đất để trồng nguyên liệu chúng tôi đang thuê của Nhà nước, liên kết với nông dân được ký kết từng năm một nên rất bấp bênh. Thời gian tới, chúng tôi cần thêm 50ha đất cho vườn trồng nguyên liệu lúa gạo, rau, củ nhưng muốn thuê được diện tích đất rộng, lâu dài để đầu tư sản xuất, chế biến là rất khó”.

Theo Luật Đất đai, đất trồng cây hằng năm nếu không được sử dụng liên tục trong 12 tháng sẽ bị thu hồi. Chính quyền các địa phương đã tổ chức rà soát để thu hồi những diện tích đất bỏ hoang. Tuy nhiên, việc làm này cũng không đơn giản, bởi thực chất người dân vẫn tổ chức sản xuất, cho dù chỉ là một vụ hoặc trong thời gian ngắn.

Mặc dù không có nhu cầu sản xuất hoặc không còn mặn mà với đồng ruộng nhưng nông dân vẫn muốn giữ ruộng, e ngại khi cho doanh nghiệp thuê đất. Nhiều hộ dân muốn giữ đất để tự chủ một phần lương thực, nhưng cũng có một bộ phận người dân mang tâm lý sợ mất ruộng, chờ cơ hội để được đền bù khi có dự án. Mặt khác, người dân cho rằng giá thành thuê đất còn thấp trong khi thời gian thuê dài. Nhà nước cần nghiên cứu tạo ra một cơ chế, quy định thuê đất giữa nông dân và doanh nghiệp để đôi bên cùng có lợi, sửa đổi, điều chỉnh quy định về định giá đất, khung giá đất phù hợp với thực tế từng địa phương.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ